HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, Quảng Ninh không chỉ tạo việc làm cho người dân mà còn phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương theo tiêu chí sạch, an toàn.
Thành lập năm 2010, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (xã Hồng Phong, huyện Đông Triều, Quảng Ninh) tập trung phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của vùng như bột sắn dây, gạo nếp cái hoa vàng, rau củ quả tươi, hành thái lát… Đến nay, mô hình này đã tạo lập được thị trường đầu ra tương đối ổn định.
Chị Lê Thị Thà – Giám đốc hợp tác xã cho biết, trước đây, chị chỉ kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm chăn nuôi cho bà con. Mức lãi mà chị đạt được khá ổn định, có tháng lên tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khi tỉnh Quảng Ninh xây dựng và triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” với mục tiêu thực hiện việc nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn và giảm nghèo; chị đã suy nghĩ đến một hướng đi mới. Cụ thể, nhận thấy địa phương có thế mạnh về các mặt hàng nông sản, chị Thà dừng nghề kinh doanh thức ăn chăn nuôi và chuyển sang xây dựng mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.
Rau mùng tơi xanh tốt tại vùng canh tác của hợp tác xã. Ảnh: Hợp tác xã Hoa Phong
Đối với từng mặt hàng nông sản, chị Thà lại lên kế hoạch riêng để thu về hiệu quả cao nhất. Cụ thể, với bột sắn dây, chị vận động bà con trong vùng tận dụng thế mạnh của chất đất, nguồn nước tưới từ sông Kinh Thầy để phát triển sắn củ nguyên liệu. Kết quả, 20 hộ trong xã đã trồng sắn theo mô hình canh tác mà chị tư vấn, hướng dẫn. Sắn cho sản lượng cao, chất củ ít xơ, bột trắng ngần. Hàng năm, sản lượng sắn dây củ của cả vùng lên tới 500 – 700 tấn nhưng hợp tác xã chỉ chế biến khoảng 40 – 50 tấn củ tươi, thu được hơn một tấn tinh bột sắn. Phần sắn nguyên liệu còn lại, chị giới thiệu khách hàng từ các nơi khác tới thu mua cho bà con.
Đối với gạo nếp cái hoa vàng – đặc sản của huyện Đông Triều, hợp tác xã không cấy trồng trực tiếp mà liên kết với nông dân, thu mua và chịu trách nhiệm đầu ra cho sản phẩm. Chị Thà còn đầu tư cả hệ thống máy xay xát công suất lớn để thực hiện quy trình khép kín, đóng gói sản phẩm trong vụ thu hoạch ngay tại cơ sở và phân phối ra thị trường. Sản lượng gạo nếp mỗi năm mà hợp tác xã thu mua lên tới 500 – 600 tấn.
Để phát triển vựa rau, củ quả an toàn, chị Lê Thị Thà – Giám đốc hợp tác xã tiến hành thuê lại 14 ha đất trong vùng, thuê bà con canh tác ngay trên đồng ruộng của họ, đồng thời, phân công 7 nhóm có nhiệm vụ quản lý, giám sát trực tiếp quy trình canh tác. Rau tại hợp tác xã trồng theo mùa vụ, thu hoạch quanh năm, mùa nào thức nấy như bầu, bí, mướp, các loại đỗ, rau đay, mùng tơi, cải bắp, su hào, súp lơ, cà rốt, khoai tây… Sản lượng rau củ quả xuất ra thị trường mỗi năm khoảng 800 – 1.000 tấn.
Cơ sở của chị Thà cũng đang thử nghiệm mặt hàng mới là hành thái lát sấy khô. Do đang thăm dò thị trường nên sản lượng hành củ sấy mới đạt khoảng một tấn, ngoài ra, cơ sở còn sấy thêm mướp đắng, củ cải nhưng số lượng chưa nhiều.
Chị Thà cho biết, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp tạo việc làm cho nhiều đối tượng nông thôn ở các độ tuổi khác nhau. Lúc cao điểm, nhân công tại hợp tác xã lên tới hàng trăm người. Phương châm của chị là tạo công ăn việc làm cho bà con, sau đó mới tính tới lợi nhuận thu về.
“Tổng doanh thu cả năm của hợp tác xã có thể lên tới 40 tỷ đồng, nhưng tiền lợi nhuận tôi thu chỉ hơn một tỷ đồng. Phần còn lại được phân bố đều cho nông dân. Họ vừa có việc làm ngay tại địa phương, vừa có thu nhập để ổn định cuộc sống, còn hợp tác xã lại tập trung phát triển được các loại mặt hàng nông sản chất lượng, an toàn. Đây cũng là mục tiêu mà chúng tôi muốn duy trì lâu dài trong mô hình hợp tác xã cộng đồng của Hoa Phong”, chị Thà chia sẻ.
Thu Ngân